Ý tưởng ban đầu Kế_hoạch_Marshall

Từ trước khi có bài diễn văn của Tướng Marshall, một số người đã đặt vấn đề cần lên kế hoạch tái thiết châu Âu. Ngoại trưởng Mỹ James F. Byrnes đệ trình một phiên bản trước đó của kế hoạch này trong bài diễn văn "Restatement of Policy on Germany" (Tuyên bố chính sách cho nước Đức) tại Nhà hát Opera ở Stuttgart vào ngày 6 tháng 9 năm 1946. Trong một loạt các báo cáo với tên "The President's Economic Mission to Germany and Austria" (Chương trình kinh tế của Tổng thống cho Đức và Áo), một báo cáo được Tổng thống Harry S. Truman ủy thác, cựu Tổng thống Herbert Hoover đã đưa ra một quan điểm nghiêm túc về kết quả chính sách chiếm đóng Đức. Trong báo cáo đó Hoover đề nghị nhiều thay đổi cơ bản trong chính sách chiếm đóng. Thêm vào đó, Tướng Lucius D. Clay đề nghị với nhà công nghiệp Lewis H. Brown tiến hành khảo sát nước Đức hậu chiến và phác thảo bản báo cáo "A Report on Germany" (Báo cáo về nước Đức) vào năm 1947, bao gồm nhiều thông tin căn bản liên quan đến các vấn đề mà Đức phải đương đầu, với lời khuyên cho việc tái thiết. Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Dean Acheson cũng có một bài diễn văn quan trọng về vấn đề này, nhưng bị bỏ ngoài tai; và Phó tổng thống Alben W. Barkley cũng đã lên tiếng về ý tưởng này.

Lựa chọn cơ bản khác cho việc sử dụng một lượng tài trợ của Mỹ là lấy chúng từ ngay nước Đức. Năm 1944, ý tưởng này được biết đến với tên gọi Kế hoạch Morgenthau, theo tên Bộ trưởng Tài chính Mỹ là Henry Morgenthau, Jr. Kế hoạch đó sẽ trích một lượng bồi thường chiến phí khổng lồ từ nước Đức để tái xây dựng các quốc gia đã bị Đức tấn công tàn phá, và cũng là để ngăn nước Đức không bao giờ có thể vươn dậy được. Một kế hoạch gần như thế là Kế hoạch Monnet của một viên chức Pháp tên Jean Monnet, kế hoạch này đề nghị dành cho Pháp quyền kiểm soát vùng công nghiệp than đá của Đức là RuhrSaar để sử dụng các nguồn tài nguyên cho việc nâng sản lượng công nghiệp của Pháp lên mức 150% trước chiến tranh. Năm 1946, các quốc gia Đồng Minh tham gia chiếm đóng Đức đã đồng ý đặt ra các hạn mức nghiêm ngặt về việc bao giờ có thể cho phép nước Đức tái công nghiệp hóa. Định mức cũng được đặt ra về việc bao nhiêu sắt thép và than đá Đức được phép sản xuất. Kế hoạch công nghiệp đầu tiên của Đức, được gọi là "thỏa thuận mức công nghiệp", được ký kết đầu năm 1946, theo đó ngành công nghiệp nặng của Đức phải giảm xuống mức 50% của năm 1938 bằng cách phá hủy 1.500 nhà máy.[22] Những vấn đề hiển hiện trong kế hoạch này trở nên rõ ràng vào cuối năm 1946 và thỏa thuận này phải được sửa lại mấy lần, lần cuối cùng là vào năm 1949. Việc phá bỏ các nhà máy của Đức tuy vậy tiếp tục diễn ra cho tới tận năm 1950. Nước Đức từ lâu đã là nhà công nghiệp khổng lồ của châu Âu nên sự khốn khó của họ kéo lùi lại sự phục hồi của châu Âu nói chung. Sự thiếu thốn trầm trọng ở Đức cũng làm cho việc chiếm đóng Đức trở nên hết sức tốn kém, vì quân đội Đồng Minh chiếm đóng Đức phải tự xoay xở lấy phần lớn những vật tư cần thiết. Các yếu tố đó, cộng với sự lên án rộng khắp của công luận sau khi các kế hoạch này bị để lộ cho báo chí, khiến người ta trên thực tế phải bác bỏ Kế hoạch Monnet và Kế hoạch Morgenthau. Tuy nhiên một số ý tưởng của họ phần nào vẫn có đất sống trong chỉ thị JSC 1067 (Joint Chiefs of Staff Directive 1067), kế hoạch này trên thực tế là phần cơ bản chính sách chiếm đóng của Mỹ cho tới tháng 7 năm 1947. Các trung tâm công nghiệp mỏ như Saar và Silesia bị tách khỏi nước Đức, một số ngành công nghiệp dân sự bị phá bỏ để kìm hãm sản lượng, khu công nghiệp Ruhr cũng đứng trước nguy cơ bị tách rời vào cuối năm 1947. Tuy nhiên tới tháng 4 năm 1947, Truman, Marshall và thứ trưởng ngoại giao Mỹ Dean Acheson cuối cùng cũng bị thuyết phục rằng cần phải sử dụng một nguồn viện trợ lớn từ chính nước Mỹ.

Ý tưởng về một kế hoạch tái thiết là một sản phẩm của sự dịch chuyển tư tưởng đã bắt đầu xảy ra ở nước Mỹ từ cuộc Đại suy thoái. Cuộc khủng hoảng kinh tế trong thập niên 1930 khiến cho rất nhiều người tin rằng nền kinh tế thị trường tự do mà không được kìm hãm sẽ không thể nào đảm bảo cho sự phồn thịnh kinh tế. Nhiều người đã góp công sức cho việc thiết lập ra Chính sách kinh tế mới (New Deal) để phục hồi nền kinh tế Hoa Kỳ, giờ đây muốn áp dụng bài học này cho châu Âu. Cùng thời gian đó, cuộc Đại suy thoái cũng cho thấy nguy cơ đến từ hàng rào thuế quan và chính sách bảo hộ, tạo nên một niềm tin mạnh mẽ vào sự cần thiết phải có tự do mậu dịch và thống nhất nền kinh tế châu Âu.[23] Không hài lòng với những hậu quả từ Kế hoạch Morgenthau, ngày 18 tháng 3 năm 1947, cựu Tổng thống Mỹ Hoover tuyên bố: "Người ta có ảo tưởng là một nước Đức mới sau sự sáp nhập có thể bị biến thành một 'quốc gia an bình'. Việc này là bất khả thi trừ trường hợp người ta hủy diệt hay cưỡng bức 25 triệu người rời nước Đức".[24] Chính sách áp dụng cho nước Đức thay đổi nhanh chóng chỉ vài tháng sau đó và Kế hoạch Morgenthau hoàn toàn bị đảo ngược.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Kế_hoạch_Marshall http://www.cnn.com/SPECIALS/cold.war/episodes/03/d... http://www.commentarymagazine.com/Summaries/V89I1P... http://news.enquirer.com/apps/pbcs.dll/article?AID... http://books.google.com/books?id=WDgBBzWQ2DAC&pg=P... http://www.nationsencyclopedia.com/Europe/Finland-... http://www.time.com/time/archive/preview/0,10987,8... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,8... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,8... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,8... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,9...